Vào mùa hè có thể nói thời tiết rơi vào thời điểm nắng nóng đỉnh điểm nhất quanh năm. Đặc biệt ở Hà Nội, nhiệt độ ngoài trời vào giữa trưa có thể lên đến 40 – 45 độ C. Dưới cái nắng gay gắt và nhiệt độ cao, nhiều bộ phận, phụ tùng trên xe rất dễ xuống cấp. Hệ thống điều hòa, hệ thống làm mát, lốp,… dễ hư hỏng do hoạt động hết công suất. Chưa kể đến việc nhiều lái xe không cẩn thận đề những đồ vật dễ phát nổ trong xe cũng rất nguy hiểm, dễ gây những hậu quả đáng tiếc. Đã có không ít trường hợp một số đồ vật bên trong xe phát nổ. Những lưu ý sau sẽ giúp bạn an toàn hơn và bảo vệ xe ô tô của bạn khi lái xe vào mùa nắng nóng cao điểm này.
Tài xế nên làm gì để bảo vệ xe ô tô của mình khi thời tiết nắng nóng
-
Chọn thời điểm ra đường
Nếu không thực sự cần thiết, bạn nên chọn thời điểm ít nắng nhất để di chuyển trên đường. Như bạn có thể di chuyển lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Sẽ giúp bạn tránh được thời điểm nắng gay gắt, nhiệt độ lên đỉnh. Đặc biệt là lúc giữa trưa sẽ giúp xe ô tô ít hư hại hơn, hơn nữa chuyến đi cũng thoải mái và khả năng tiềm ẩn trục trặc giữa đường cũng thấp hơn nhiều.
-
Giúp xe tránh nắng
Ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào bảng táp-lô và vô-lăng hay ghế bọc da,… Có thể khiến các bộ phận này nhanh chóng hư hại. Nếu đỗ xe dưới trời nắng nóng, khi trở lại xe, không gian bên trong xe giống như một cái lò hầm hập sức nóng và có mùi khó chịu. Mùi này sinh ra khi lớp nhựa hay da bên trong xe phải chịu nhiệt độ cao. Và mùi này có thể gây nguy hại tới sức khỏe con người.
Vì thế, ngoài thời gian đi trên đường, bạn nên chọn cho chiếc xe một nơi râm mát để đỗ. Tốt nhất vẫn là những bãi đỗ xe có mái che, dưới bóng cây,…
Trong trường hợp không thể có những điều kiện tốt như trên, bạn cần phải trang bị đồ che phủ như bạt chuyên dụng, ô che,… Thậm chí là bìa các tông hay bất cứ thứ gì có thể che nắng được cho xe.
Nếu liên tục phải đậu xe dưới trời nắng, việc tài xế có thể làm để bảo vệ nội thất xe là trang bị tấm chắn nắng trên kính lái và các cửa sổ. Luôn trang bị cho xe hệ thống kính những tấm phim cách nhiệt. Phim cách nhiệt hiệu quả cả khi xe dừng đỗ lẫn khi di chuyển, giảm ánh sáng trực tiếp vào trong xe và giảm nhiệt độ của xe khi đỗ hay chạy dưới thời tiết nắng nóng.
-
Kiểm tra ắc-quy thường xuyên
Nhiệt độ cao dễ khiến các dung dịch trong ắc-quy bốc hơi, hao mòn khiến nó hoạt động kém hiệu quả và giảm tuổi thọ. Bạn nên thường xuyên kiểm tra và đổ thêm nước cất. Thêm vào đó, hãy giữ nắp bình ắc-quy sạch sẽ vì bụi bẩn có thể trở thành chất dẫn làm cạn ắc-quy.
-
Chú ý két làm mát
Đây là một bộ phận rất quan trọng trong khi vận hành xe, đặc biệt với những ngày nắng nóng. Bạn cần kiểm tra và thay nước làm mát khi cần. Lưu ý, chỉ kiểm tra két làm mát khi xe đã ngừng chạy khoảng 1 tiếng. Không mở két làm mát khi xe vừa ngừng chạy.
-
Kiểm tra lốp xe thường xuyên
Một chiếc lốp nếu quá căng, quá mòn hay xẹp hơi đều có thể gây nguy hiểm. Lốp xe không đạt chuẩn không chỉ không an toàn mà còn gây tiêu tốn thêm nhiều nhiên liệu.
Trong những ngày nắng nóng, áp suất lốp có thể thay đổi đáng kể. Để kéo dài tuổi thọ lốp và đảm bảo an toàn trong những chuyến đi, bạn cần kiểm tra tình trạng cũng như áp suất lốp cẩn thận. Bạn nên kiểm tra áp suất khi lốp đã nguội.
Ngoài ra, đừng quên kiểm tra cả lốp dự phòng trước những chuyến đi xa.
-
Rửa xe thường xuyên
Ngoài tia tử ngoại chiếu trực tiếp từ ánh nắng mặt trời. Ngoại thất của xe còn bị ảnh hưởng bởi khói bụi, muối và axit có chứa trong nước mưa. Bụi bẩn cũng khiến xe hấp thụ nhiều nhiệt hơn.
Tuy nhiên, bạn nên nhớ không rửa xe dưới ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Kim loại nóng sẽ làm khô xà phòng và hỗn hợp nước bám trên sơn, để lại vết bẩn trên bề mặt xe.
-
Không để các vật dụng có nguy cơ gây cháy nổ trên xe
Với nhiệt độ bốc lên từ mặt đường với ảnh hưởng từ ánh nắng trực tiếp dưới trời nắng lên tới 39 – 40 độ C. Làm nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60 độ C hoặc cao hơn. Khi đó, rất nhiều vật dụng để trong xe có nguy cơ phát nổ, và có thể bốc cháy do áp suất bên trong tăng cao. Do vậy, bạn nên lưu ý khi để lại một số vật dụng sau trong xe trong thời tiết nắng nóng:
– Đồ điện tử gia dụng thông dụng như máy tính, máy tính bảng, và cả điện thoại. Các thiết bị này phần lớn đều được làm từ kim loại, dẫn nhiệt nhanh nên nhiệt độ cao sẽ làm các vi mạch điện tử, điện trở nóng lên bất thường. Từ đó làm giảm tuổi thọ hoặc nặng hơn là có thể không sử dụng được hoặc gây cháy nổ. Trong trường hợp bắt buộc phải để lại xe, hãy cất các vật dụng này trong túi, balô hoặc bao đựng kín. Ta nên tránh tiếp xúc với không khí nóng trong xe hoặc ánh nắng trực tiếp từ cửa kính.
– Các loại đồ đóng hộp kín, các loại đồ dung môi dễ cháy như bật lửa ga, bình cứu hỏa, sơn xịt, các loại nước giải khát đóng lon/chai… Bình cứu hỏa là vật cần thiết cho mỗi chiếc xe, nhưng khi để bên trong xe dưới trời nắng, nên đảm bảo vừa dễ lấy khi cần. Đối với các loại pin dự phòng điện thoại, pin nhiên liệu, nên cất vào chỗ kín, tránh tiếp xúc với ánh nắng cũng như hấp thụ nhiệt từ không khí. Nếu không thực sự cần thiết, hay cất ở nhà để đảm bảo an toàn.
-
Làm mát xe trước khi vận hành lại
Khi đỗ xe ngoài trời nắng nóng, người sử dụng nên nổ máy trước khi lên xe khoảng 5 phút. Để điều hòa lấy gió ngoài, giúp giảm nhiệt độ bên trong xe về mức chịu được. Đồng thời lọc khí độc có thể gây hại đến sức khỏe.
Có một cách tương đối đơn giản giúp nhiệt độ bên trong xe giảm nhanh mà không cần sử dụng tới máy điều hòa. Khi quay lại xe, người dùng hãy hạ cửa kính ở ghế hành khách phía trước xe. Sau đó đóng mở cửa ghế lái 5-10 lần hoặc nhiều hơn nếu nhiệt độ trong xe quá cao.
Không cần phải đóng cửa ghế lái quá mạnh, chỉ cần thao tác nhẹ nhàng như khi bạn sử dụng xe bình thường. Bằng thao tác này, không khí trong xe sẽ được làm mới hoàn toàn. Nhanh chóng làm nguội các chi tiết trong xe và đẩy hết khí độc ra ngoài. Nhiệt độ bên trong xe sau khi thực hiện việc đóng mở sẽ giảm từ 10 – 15 độ C. Thời gian thực hiện mất khoảng 30 giây, ngắn hơn cả việc bật điều hòa làm mát.
Chúc các bạn luôn lái xe an toàn và bảo vệ xe ô tô của mình thật tốt trong mùa nắng nóng này nhé!